Ca dao tục ngữ vần C

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015



Chàng đi thiếp vẫn trông theo,
Trông nước nước chảy trông bèo bèo trôi.
Chàng đi thiếp đứng trông chừng,
Trông sông lai láng, trông rừng rừng xanh.
***
Chàng đi thiếp cũng xin theo,
Quản chi lội suối vượt đèo chàng ơi!
***
Chàng đi Vạn Hoạch chàng ơi!
Con chàng bỏ lại ai nuôi cho chàng?
Chàng đừng chê thiếp vụng về,
Có tiền thiếp cũng biết thuê mượn người!
***
Chàng về thiếp cũng xin theo,
Mẹ chàng đóng cửa thiếp leo cột nhà
***
Chàng về thiếp một trong mây,
Con thơ bỏ đói chốn này ai nuôi?
***
Chàng về thiếp nắm lấy tay,
Mua khăn chàng vận, áo may cho chàng.
***
Chàng vui cho thiếp đi về,
Kẻo thiếp lơ lửng như huê trên cành.

Chân

Chân đi ba bước lại dừng,
Tuổi em còn bé chưa từng đi buôn
Đi buôn cho đáng đi buôn,
Đi buôn cau héo có buồn hay không?
***
Chân đi chẳng tới chân ơi!
Chân đi chẳng tới chân ngồi xuống đây,
Ngồi buồn tính đốt ngón tay,
Tính đi tính lại ngón này hơn trăm.
Tính tháng rồi lại tính năm,
Tính tháng, tháng đoạn, tính năm, năm rồi.
Đôi ta biết thuở nào nguôi?
***
Chân em đi dép quai ngang,
Tay đeo nhẫn bạc, anh càng say mê.
***
Chân em đi hán đi hài
Dọc xe dây trúc chớ nài dây loan.
Chém cha con mắt đa đoan,
Càng lắm nhân ngãi càng mang tiếng thù

Chén son để cạnh mạn thuyền,
Chén son chưa cạn lời nguyền đã phai.
***
Chén tình là chén say sưa,
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu.
Lược tình em chải trên đầu,
Gương tình soi mặt làu làu sáng trong.
Ngồi buồn nghĩ đến hình dong,
Con dao lá trúc cắt lòng đôi ta.
Duyên đôi ta thề nguyền từ trước,
Biết bao giờ ta được cùng nhau?
Tương tư mắc phải mối sầu,
Em đây vẫn giữ lấy màu đợi anh.
***
Chén vàng anh khảm xà cừ,
Để lâu không uống cũng như chén sành.

Chèo

Chèo dài sông hẹp khó lùa,
Thấy em ở ruộng quê mùa anh thương.
***
Chèo đi ba mái kẻo trưa,
Kẻo tan buổi chợ, kẻo mưa trơn đường.
***
Chèo ghe xuống biển bắt cua,
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi.
***
Chèo mau cho thiếp gặp chàng,
Hai ta hiệp lại cho thành một đôi

Chỉ

Chỉ đâu mà buộc ngang trời,
Thuốc đâu mà chữa những người lẳng lơ.
***
Chỉ điều ai khéo vấn vương,
Mỗi người một xứ mà thương nhau đời.
Chữ tình ai biết cho rồi,
Tơ hồng đã định đổi dời được đâu.
***
Chỉ điều đố gỡ cho ra,
Keo sơn cố kết một nhà hòa vui
***
Chỉ ngũ sắc xanh đỏ tím vàng,
Bùa yêu ăn phải dạ càng ngẩn ngơ.
Biết rằng đâu trong đục mà chờ,
Hoa xuân mất tuyết, dễ mong chờ cậy ai?
***
Chỉ ngũ sắc xanh đỏ tím vàng,
Gặp đây em hỏi thực chàng mấy câu.
Nón này có mấy đường khâu,
Dọc ngang mấy thước trước sau mấy lần?
Anh mà giải được ân cần,
Thì em trao nón đưa chân tận nhà.
***
Chỉ tàu lựa gấm mà thêu,
Chuông vàng tốt tiếng phải treo giá vàng.
***
Chỉ thắm xe với tơ vàng,
Ta xe chỉ lại đắp đàng đi chung.
***
Chỉ tơ rối rắm trong guồng
Rối thì gỡ rối em buồn việc chi.
Em buồn vì nỗi vân vi,
Bạc lộn với chì đôi chẳng xứng đôi.
***
Chỉ vì cách một dòng sông,
Cho thuyền xa bến em không thấy chàng
***
Chỉ vì một chiếc thuyền mây,
Để cho bể ái khi đầy khi vơi.
Mong cho trúc mọc xoan trồi,
Mong cho thấy mặt mà ngồi thở than.

Chị

Chị chua chị mới ở đây,
Ví dù chị ngọt chị đã tới cây cam sành.
***
Chị dại đã có em khôn,
Lẽ nào mang giỏ thủng trôn đi mò.
Em khôn em ở trong bồ,
Chị dại chị ở kinh đô mới về.
***
Chị em sắm sửa buôn dầu.
Đôi quang đòn gánh đôi đầu tiền chinh.
***
Chị giàu chị đánh cá ao,
Chúng em nghèo khó thì chao cá mè.
Chị giàu chị đánh cá mè,
Chúng em nghèo khó buôn bè gỗ lim.
***
Chị giàu chị đội nón hoa,
Tôi con nhà khó tôi tha nón cời.
***
Chị giàu quần lĩnh hoa chanh,
Chúng em khốn khó quấn manh lụa đào.
***
Chị kia bới tóc cánh tiên,
Chồng chị đi cưới một thiên cá mòi
Không tin giở hộp ra coi,
Rau răm ở dưới cá mòi ở trên.
***
Chị là con gái nhà giàu,
Ăn mặc tốt đẹp vào chầu tòa sen.
Em là con gái nhà hèn,
Ăn mặc rách rưới mon men ngoài hè.

Chiều

Chiều chiều bóng ngã về tây,
Hỡi cô bán củi bên đầy bên vơi!
Cô còn hái nữa hay thôi,
Cho tôi hái đỡ làm đôi vợ chồng.
***
Chiều chiều chim vịt kêu trời,
Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.
***
Chiều chiều xách giỏ hái dâu,
Hái dâu không hái, nhớ câu ân tình.
***
Chiều chiều xách giỏ hái rau,
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần.
***
Chiều nay có kẻ thất tình,
Tựa mái mái ngả, tựa đình đình xiêu.

Chim

Chim bay mỏi cánh chim ngơi
Đố ai bắt được chim trời mới ngoan.
***
Chim bay thẳng cánh trên trời,
Tội gì bỏ quá một đời xuân xanh.
***
Chim bay về núi Sơn Trà,
Chồng Nam vợ Bắc ai mà muốn xa.
Sự này cũng tại mẹ cha,
Cho nên đũa ngọc mới xa mâm vàng.
***
Chim bay về núi tối rồi,
Sao không lo liệu còn ngồi chi đây?
***
Chim bay về rú về non,
Cá kia về vựa anh còn đợi em.
***
Chim xanh đứng bóng thở dài,
Thương anh áo cộc vá vai hai lần
Cái áo tứ thân, cái quần năm lá,
Em hỏi anh rằng: ai vá cho anh?

Chồng

Chồng cheo thì vợ chẳng cheo,
Hai đằng đã nghèo lại đụng lấy nhau.
***
Chồng chê thì mặc chồng chê,
Đây ta cứ việc giết dê ăn mừng.
Cũng liều cắn ớt nhai gừng,
Chua cay mặn chát ta đừng quên nhau.
***
Chồng chị, chị để trên bàn,
Phòng khi đi chợ mua màn về che.
Thân em như cái chổi để đầu hè,
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân.
***
Chồng con mô có anh nào,
Em còn lựng đựng vườn đào sớm trưa.
***
Chồng em như cái bóng đèn,
Chao đâu sáng đấy biết ghen là gì.
***
Chồng em như cột đình xiêu,
Như cây gỗ mục còn yêu nỗi gì.
Em về rẫy quách nó đi,
Hết bao nhiêu bạc anh thì trả cho
Cưới lợn thì anh trả bò
Cưới tiền đền bạc anh lo nỗi gì!
***
Chồng thấp mà lấy vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
***
Chồng tôi chín đụn năm bồ,
Tôi còn chẳng quản, huống hồ gì anh

NHỮNG LỜI RĂN DẠY VỀ NHÂN ĐỨC

Sinh ra trong cõi hồng trần,
Là người, phải lấy chữ Nhân làm đầu.

Có nhân nhân nở, vô nhân nhân trẩm.

Người là vàng, của là ngãi.

Người là hoa đất.

Người sống, đống vàng.

Thân trọng thiên kim. (1)

Một mặt người, bằng mười mặt của.

Người làm ra của,
Của không làm ra người.

Thức lâu, mới biết đêm dài,
Ở lâu, mới biết là người có nhân.

Thương người, như thể thương thân.

Ở có nhân, mười phần chẳng khốn.

Đức nhân thắng số.

Có đức, mặc sức mà ăn.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước, phải thương nhau cùng.
Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.

Chùa rách, có Phật vàng.

Đất sỏi, có chạch vàng.

Tìm nơi, có đức gửi thân,
Tìm nơi, có nhân gửi của.

Bến hiền, thuyền đậu.
Bến dữ, thuyền lui.

Còn người thì còn của.

Người làm ra của,
Của không làm ra người.

Lấy của che thân,
Không ai lấy thân che của.

Rậm người, hơn rậm của.

Bền người, hơn bền của.
Ăn bát cơm dẻo,
Nhớ nẻo đường đi.

Một miếng khi đói,
Bằng gói khi no.

Bát cơm phiếu mẫu, (2)
Trả ơn ngàn vàng.

Một đêm nằm, bằng năm ở.

Đường mòn, ân nghĩa không mòn.

Cứu được một người,
Phúc đẳng hà sa.

Cứu nhất nhân, đắc vạn phúc.

Giết một con cò, cứu trăm con tép.

Tháng hè, đóng bè làm phúc.

Dẫu xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc, cứu cho một người.

Ở hiền, thì lại gặp lành,
Những người nhân đức, trời dành phần cho.

Ở hiền, thì lại gặp lành,
Ở ác, gặp dữ, tan tành ra tro.

Ở hiền, thì lại gặp lành,
Hễ ai ở ác, tội dành vào thân.

Ao sâu, tốt cá,
Hiểm dạ, hại mình.

Ao sâu, tốt cá,
Độc dạ, khốn thân.

Ác giả, ác báo.
Hại nhân, nhân hại.

Ác giả, ác báo,
Thiện giả, thiện lai.

Tích thiện, phùng thiện,
Tích ác, phùng ác.

Ở hậu, gặp hậu,
Ở ác, gặp ác.

Cấy gió, chịu bão.
Sát nhân, giả tử,
Thiện đạo chí công.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

Đời cha trồng cây, đời con ăn quả.

Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ.

Tu nhân tích đức.

Ăn ở thiện, có thiện thần biết,
Ăn ở ác, có ác thần hay.

Làm phúc, cũng như làm giàu.

Có phúc, có phần.

Làm phúc, không cần được phúc.

Của ít, lòng nhiều.

Rủ nhau làm phúc, chớ giục nhau đi kiện.

Bần thanh, hơn phú trọc.

Điều lành, thì nhớ,
Điều dở, thì quên.

Điều lành, mang lại,
Điều dại, mang đi.
Một sự nhịn, chín sự lành.

Cây xanh, thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành, để đức cho con.

Khuyên ai ăn ở cho lành,
Kiếp này chưa gặp, để dành kiếp sau.

Ở hiền, rồi lại gặp lành,
Áo rách tan tành, trời vá lại cho.

Ở hiền, rồi lại gặp lành,
Những người nhân đức, trời dành phúc cho.

Ơn ai một chút, chớ quên,
Oán ai một chút, cất bên dạ này.

Sướng gì hơn sướng làm lành,
Như bao nhiêu của, để dành bấy nhiêu.

Người trồng cây hạnh, người chơi,
Ta trồng cây đức, để đời về sau.

Thật thà, là cha quỷ quái,
Thật thà, ma vật không chết.

Ai bảo Trời không có mắt.

Người sống, của còn,
Người chết, của hết.
Co co quắp quắp,
Chết chẳng đem được nào.

Chín đụn mười trâu,
Chết cũng hai tay cắp đít.

Của giàu tám vạn ngàn tư
Chết hai tay buông xuôi.

Sống gửi, thác về. (3)

Hễ muốn ra con người tử tế,
Phải dễ dàng, chớ để ai hờn,
Làm ơn, ắt hẳn nên ơn,
Trời nào phụ kẻ có nhân bao giờ.

Bớt ăn, bớt mặc ở mình,
Để mà lấy phúc hiển vinh lâu dài.
Áo cơm có hạn thời thôi,
Của đời rồi lại trả đời về không.
Sao bằng tích phúc lấy công,
Nhân duyên thoát khỏi cái vòng trần ai.

Ở cho có nghĩa có nhân,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha ân đức, đời con sang giàu.

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng,
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn, mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Đời người hữu tử, hữu sinh,
Sống cho xứng đáng, thác dành tiếng thơm.
Làm sao như quế trên non,
Trăm năm khô mục, vẫn còn thơm tho.

Thương người, như thể thương thân,
Thấy người hoạn nạn, thì thương,
Thấy người tàn tật, lại càng trông nom,
Thấy người già yếu, mỏi mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần
Trời nào phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa.
Lấy điều ăn ở dạy con,
Dẫu mà gặp tiết nước non xoay vần.
Ở cho có đức, có nhân,
Mới mong đời tự, được ăn lộc trời.
Thương người, tất cả ngược xuôi,
Thương người, lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người, ôm dắt trẻ thơ,
Thương người, tuổi tác, già nua bần hàn.
Thương người, cô quả, cô đơn,
Thương người, đói rách, lầm than kêu đường.
Thấy ai đói rách, thì thương,
Rách thời cho mặc, đói thời cho ăn.
Thương người, như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà,
Đồng tiền, bát gạo, mang ra,
Rằng đây cần kiệm, gọi là làm duyên.
May ta ở chốn bình yên,
Còn người tàn phá, chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng ngày đói tháng đông,
Thương người, bớt miệng, bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng.
Gia huấn ca - Nguyễn Trãi (4)

Chú thích
(1) Người quý ngàn vàng.
(2) Sự tích: Hàn Tín thuở hàn vi, câu cá không đủ ăn nên phải đói, một bà già giặt lụa (phiếu mẫu) tặng Hàn Tín một bát cơm - Về sau Hàn Tín làm nên đại tướng và Sở vương, Hàn Tín tìm về biếu bà 1000 lạng vàng. Truyện “Nhất phạn thiên kim”, bát cơm ngàn vàng là như vậy.
(3) Quan niệm về sống chết theo tư tưởng của Đạo Phật, không giống với quan niệm của chúng ta ngày nay, dù sao cũng có tác dụng khuyên răn người ta lúc sống không nên tham (vì sống gửi).
(4) Gia huấn ca của Nguyễn Trãi có từ thế kỷ thứ 15, đã được phổ biến như ca dao.

NHỮNG LỜI RĂN DẠY VỀ NÓI NĂNG GIAO TIẾP

Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Tiếng chào, cao hơn mâm cỗ.

Dao năng liếc thì sắc,
Người năng chào thì quen.

Lời nói, gói vàng.

Nói đúng, như gãi vào chỗ ngứa.

Nói ngọt, lọt đến xương.

Nói hay, hơn hay nói.

Nói phải, củ cải cũng nghe.

Lời nói, nên vợ, nên chồng.

Thổi quyên, phải biết chiều hơi,
Khuyên người, phải biết lựa lời khôn ngoan.

Lời nói, chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói, cho vừa lòng nhau.

Nói gần, nói xa, chẳng qua nói thật.
Thuốc đắng dã tật - Nói thật mất lòng.

Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.

Ăn mặn nói ngay, hơn ăn chay nói dối.
Một câu nói ngay, bằng ăn chay cả tháng.

Một lời nói dối, sám hối bảy ngày.

Ăn có nhai, nói có nghĩ.

Ăn bớt bát, nói bớt lời.

Biết thì thưa thốt,
Không biết, dựa cột mà nghe.

Một sự nhịn, chín sự lành.

Nói như dao chém đá.

Quân tử nhất ngôn.

Một sự thất tín, vạn sự chẳng tin.

Đa ngôn, đa quá. (1)

Rượu nhạt, uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm.

Nói chín, thời nên làm mười,
Nói mười làm chín, kẻ cười người chê.

Nói lời, thì giữ lấy lời,
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

Một lời nói, được quan tiền tấm lụa,
Một lời nói, được dùi đục cẳng tay.

Một lời nói, được quan tiền tấm bánh,
Một lời nói, được đòn gánh phang nghiêng.

Roi song đánh đoạn thời thôi,
Một lời xiết cạnh, muôn đời chẳng quên.

Lời nói, đau hơn roi vọt.

Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời.

Khẩu Phật, tâm xà.

Nọc người, bằng mười nọc rắn.

Lưỡi sắc hơn gươm.

Lưỡi mềm, độc quá con ong.
Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo.

Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm.
Khẩu thiệt đại can qua (2).

Lời nói đọi máu. (3)

Ăn lắm, thì hết miếng ngon,
Nói lắm, thì hết lời khôn hóa rồ.

Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều,
Người khôn, nói một vài điều cũng khôn.

Chim khôn, tiếc lông,
Người khôn, tiếc lời.

Chim khôn, kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn, nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Vàng thời thử lửa, thử than,
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

Người thanh, tiếng nói cũng thanh,
Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu.

Vạ ở miệng ra, bệnh qua miệng vào.

Vạ tay, không hay bằng vạ miệng.

Sảy chân, còn hơn sảy miệng.

Sảy chân, gượng lại còn vừa,
Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.

Một lời, đã trót nói ra,
Dù rằng bốn ngựa, khó mà đuổi theo.

Lời nói, không cánh mà bay.

Một miệng thì kín, chín miệng thì hở.

Vàng sa xuống giếng, khôn tìm,
Người sa lời nói, như chim sổ lồng.

Rừng có mạch, vách có tai,
Người trong chưa tỏ, người ngoài đã hay.

Vai kia, gánh lắm cũng chồn,
Người khôn nói lắm, có khôn bao giờ.

Đất xấu, trồng cây ngẳng nghiu,
Những người thô tục, nói điều phàm phu.

Hay chửi hay rủa, là quạ dương gian,
Hay hát, hay đàn, là tiên hạ giới.

Nói người, chẳng nghĩ đến ta,
Thử sờ lên gáy, xem xa hay gần.

Nói người, chẳng nghĩ đến thân,
Thử sờ lên gáy, xem gần hay xa.
Đất tốt, trồng cây rườm rà,
Những người thanh lịch, nói ra quý quyền.

Đất tốt, trồng cây rườm rà,
Những người quý giá, nói ra dịu dàng.

Kim vàng, ai nỡ uốn câu,
Người khôn, ai nỡ nói nhau nặng lời.

Trời sinh ra đã làm người,
Hay ăn, hay nói, hay cười, hay chơi.
Khi ăn, thời phải lựa mùi,
Khi nói, thời phải lựa lời chớ sai,
Cả vui, chớ có vội cười,
Nơi không lễ phép, chớ chơi làm gì.

Con ơi, mẹ bảo con này,
Học hành chăm chỉ, cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười,
Dù no, dù đói, cho tươi,
Khoan ăn, bớt ngủ, là người lo toan.

Bảo vâng, gọi dạ, con ơi,
Vâng lời sau trước, con thời chớ quên.
Công cha, nghĩa mẹ, khôn đền,
Vào thưa, ra gửi, mới nên con người.

Chú thích
(1) Nói nhiều hay quá lời.
(2) Lời nói gây ra chiến tranh.
(3) Lời nói bát máu.

Cách ăn ở trong anh em họ hàng gia tộc

Chú cũng như cha.

Dì cũng như mẹ.

Cô cũng như cha.

Sẩy cha còn chú,
Sẩy mẹ bú dì.

Dì ruột, thương cháu như con,
Rủi mà không mẹ, cháu còn cậy trông.

Nó lú, có chú nó khôn.

Không cha, có chú, ai ơi,
Thay mặt đổi lời, chú cũng như cha.

Bé, nhưng con nhà bác,
Lớn xác, nhưng con nhà chú.

Con chú, con bác, có khác gì nhau.

Dây mơ, rễ má, con bá, con dì.

Nhất con, nhì cháu, thứ sáu người dưng.

Một giọt máu đào, hơn ao nước lã.

Chị em, trên kính dưới nhường,
Là nhà có phúc, mọi đường yên vui.

Em khôn, cũng là em chị,
Chị dại, cũng là chị em.

Em thuận, anh hòa, là nhà có phúc.
Trên thuận dưới hòa, là nhà có phúc.

Anh ngủ em thức,
Em chực anh nằm.

Anh em, như tre cùng khóm.
Chị em gái, như trái cau non.

Con đàn, như tre, ấm bụi.

Anh em, như thể chân tay.

Anh nhường, em kính.

Quyền huynh thế phụ.

Anh em, hạt máu sẻ đôi.

Anh em, ăn ở thuận hòa,
Chớ điều chênh lệch, người ta chê cười.

Con một mẹ, như hoa một chùm,
Yêu nhau, nên phải bọc đùm cùng nhau.

Yêu con chị, vị con em.

Con chị cõng con em.

Con chị đi, con dì nhớn.

Yêu hoa, nên phải vin cành.
Yêu cây, nên dấu đến hoa.

Yêu nhau, cái chấy cắn đôi.

Anh em trong nhà, đóng cửa bảo nhau.

Yêu nhau, rào giậu cho kín.

Yêu nhau, chín bỏ làm mười.

Yêu nhau, mọi việc chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch, cũng kê cho bằng.

Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau.

Cắt dây bàu, dây bí,
Chẳng ai cắt dây chị, dây em.

Chém nhau đường sống,
Không ai chém nhau đường lưỡi.

Tay chém tay, sao nỡ,
Ruột cắt ruột, sao đành.

Đắng cay, vẫn thể ruột rà,
Dù xa xa lắm, vẫn là anh em.

Vị tình vị nghĩa,
Không ai vị đĩa xôi đầy.
Bà con, vì tổ vì tiên,
Không phải vì tiền, vì gạo.

Bắt người bỏ giỗ,
Không ai bắt người cỗ bé.

Môi hở, răng lạnh.

Mỗi người mỗi điều,
Dỡ lều mà đi.

Da gà, bọc lấy xương gà.

Một người nhà, bằng ba người mượn.

Anh em, như chân với tay,
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

Vì sông, nên phải lụy thuyền,
Những như đường liền, ai phải lụy ai.

Chị em khi túng, chúng bạn khi cùng.

Lá lành, đùm lá rách.

Lá rách ít, đùm lá rách nhiều.

Cành dưới, đỡ cành trên.

Chị ngã, em nâng.
Lọt sàng, xuống nia.

Anh em sảy vai, xuông cánh tay.

Vị cây, dây leo.

Vị thần, mới nể cây đa.

Rút dây, động rừng.

Máu chảy, ruột mềm.

Tay đứt, ruột xót.

Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.

Chết cả đống, hơn sống một người.

Máu ai, thấm thịt người ấy.

Máu chảy đến đâu, ruồi bâu đến đấy.

Từ gót chí đầu, đau đâu khốn đấy.

Muối đổ lòng ai, nấy xót.

Cha mẹ với con cái

Con yêu nhỏ bé ngây thơ,
Tập đi, tập nói trầm trồ dễ nghe.

Ngầm ngập như mẹ gặp con,
Lon xon như con gặp mẹ.

Cá chuối, đắm đuối vì con.

Năm con năm nhớ, mười con mười thương.

Yêu con, ngon của.
Thương con, ngon rau.

Đói lòng con, héo hon cha mẹ.

Chim trời, ai dễ đếm lông,
Nuôi con, ai dễ kể công tháng ngày.

Con lúc nhỏ bú mẹ, lớn bú cha.

Con biết nói, mẹ hói đầu.

Con đẹn con sài, chớ hoài bỏ đi.

Hổ chẳng nỡ ăn thịt con.

Có con tội sống, không con tội chết.

Con dại, cái mang.

Lựa được con dâu, sâu con mắt.

Cha muốn cho con hay,
Thầy mong cho trò khá.

Mẹ nào con ấy,
Cha nào con ấy.

Con nhờ đức mẹ. Phúc đức tại mẫu.

Mẹ hiền, dân tốt.

Sẩy cha, ăn cơm với cá,
Sẩy mẹ, liếm lá ngoài chợ.

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính,
Sinh con, há dễ sinh lòng.

Một mẹ già, bằng ba đụn thóc.

Có mẹ già, bằng ba rào giậu.

Có con, chết cũng ra ma,
Không con, chết cũng khiêng ra ngoài đồng.

Con nuôi cha, không bằng bà nuôi ông.

Lệnh ông, không bằng cồng bà.

Nuôi con cho đến vuông tròn,
Mẹ thầy vất vả, xương mòn gối long,
Con ơi, gắng trọn hiếu trung,
Thảo ngay một dạ, kẻo luống công mẹ thầy.

Đạo làm con

Thứ nhất thì tu tại gia,

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ, mới là chân tu.

Nâng niu bú mớm đêm ngày,
Công cha, nghĩa mẹ, coi tày bể non.

Có nuôi con, mới biết lòng cha mẹ.

Lên non, mới biết non cao,
Nuôi con, mới biết công lao mẫu từ.
Con mẹ thương mẹ lắm thay,
Chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau.

Liệu mà thờ mẹ kính cha,
Đừng tiếng nặng nhẹ, người ta chê cười.

Có cha, có mẹ, thì hơn,
Không cha, không mẹ, như đờn đứt giây.

Trách ai được cá quên nơm,
Được chim bẻ ná, quên ơn sinh thành.

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm mớm, lưỡi lừa cá xương.

Vẳng nghe tiếng vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.

Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng, mà nuôi mẹ già.

Mẹ cha như chuối chín cây,
Sao đấy chẳng liệu, cho đây liệu cùng.

Cha mẹ ở tấm lều tranh,
Sớm thăm, tối viếng, mới đành dạ con.

Mẹ cha như nước như mây,
Làm con phải ở cho tày lòng son.
Con có làm ra của vạn tiền trăm,
Con ơi, hãy nhớ lúc con nằm trong nôi.

Trâu dê chết để tế ruồi,
Sao bằng lúc sống, ngọt bùi là hơn.

Lúc sống, thời chẳng cho ăn,
Đến khi thác xuống, làm văn tế ruồi.

Sống thì chẳng cho ăn nào,
Chết thì cúng giỗ, mâm cao cỗ đầy.

Dạy con, con nhớ lấy lời,
Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên.

Con giữ cha, gà giữ ổ.

Dâu hiền hơn gái, rể hiền hơn trai.

Trai mà chi, gái mà chi,
Cốt sao có nghĩa, có nghì là hơn.

Con ở đâu, cha mẹ đấy,
Cháu con ở đâu, tổ tiên ở đấy.

Trẻ đeo hoa, già đeo tật.

Già sinh tật, đất sinh cỏ.

Lụ khụ, như ông cụ bảy mươi.
Bảy mươi chưa đui, chưa què, chớ khoe là giỏi.

Một già, một trẻ như nhau.

Kính lão, đắc thọ.

Thương già, già để tuổi cho.

Cá không ăn muối, cá ươn,
Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư.

Cha mẹ là biển là trời,
Nói sao hay vậy, đâu dám cãi lời mẹ cha.

Nói con, con chẳng nghe lời,
Con nghe ông huyểnh, ông hoảng, hết đời nhà con.

Cha mẹ đánh cửa trước, vào cửa sau. (1)

Một mẹ, nuôi được mười con,
Mười con, không nuôi được một mẹ.

Con bà, có thương bà đâu,
Để cho chàng rể, nàng dâu thương cùng.

Cha mẹ nuôi con, bằng trời bằng bể,
Con nuôi cha mẹ, con kể từng ngày.

Mẹ nuôi con, biển hồ lai láng,
Con nuôi mẹ, kể tháng kể ngày.

Mẹ già hết gạo treo niêu,
Mà anh khăn đỏ, khăn điều vắt vai.

Mẹ lá rau, lá má,
Con đầy rá, đầy mâm.

Mẹ sớm chiều, ngược xuôi tất tưởi,
Con đẫy ngày, đám dưới đám trên.

Cơm cha thời ngon, cơm con thời đắng.

Bình phong khảm ốc xà cừ,
Vợ hư thời bỏ, chớ từ mẹ cha.

Bất hiếu chi tử? (2)

Bên cha cũng kính , bên mẹ cũng vái.

Mẹ chồng nàng dâu,
Chủ nhà, người ở, khen nhau bao giờ.

Thật thà, cũng thể lái trâu,
Yêu nhau, cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

Mẹ chồng dữ, mẹ chồng chết,
Nàng dâu có nết, nàng dâu chừa.

Chồng dữ, thời em mới rầu,
Mẹ chồng mà dữ, giết trâu ăn mừng.

Chưa làm dâu, đã hay đâu làm mẹ chồng.

Tứ thân phụ mẫu.

Thông gia, là bà con.

Thông gia, hai nhà như một.

Sống vì mồ vì mả,
Không ai vì cả bát cơm.

Mồ mả làm cho người ta khá.

Giữ như giữ mả tổ.

Sống Tết, chết Giỗ.

Trưởng bại, hại ông vải.

Trưởng nam bại, ông vải vong.
Con cháu mà dại, thời hại cha ông.

Con hơn cha, là nhà có phúc.

Con khôn, nở mặt mẹ cha.

Con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ.

Làm anh, làm ả, phải ngả mặt lên.

Một người làm nên, cả họ được cậy,
Một người làm bậy, cả họ mất nhờ.

Một người làm xấu, cả bậu mang dơ.

Một người làm quan,
Thời sang cả họ.

Thờ thì dễ, giữ lễ thì khó.

Tột cùng Thiện, không gì hơn hiếu,
Tột cùng Ác, không gì hơn bất hiếu.

Kính cha, tấm lụa tấm là,
Trọng cha, đồng quà tấm bánh.
Sáng thăm, tối viếng. Cơm nặng áo dày.
Sáng cơm, trưa cháo, chiều trà,
Chăm cha, chăm mẹ, tuổi già xa xăm. (3)

Trẻ cậy cha, già cậy con,
Trẻ thì dưỡng cây, già thì cây dưỡng.

Bé thì nhờ mẹ, nhờ cha,
Lớn lên nhờ vợ, lúc già nhờ con.

Xin người hiếu tử gắng khuyên,
Kịp thời nuôi nấng, cho tuyền đạo con,
Kẻo khi sông cạn đá mòn,
Thơ ca ngâm đọc, có còn thấy chi.

Công cha như núi Thái Sơn, (4)
Nghĩa mẹ như nước, trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu, mới là Đạo con.

Ngày nào em bé cỏn con,
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,
Nghĩ sao cho bõ, những ngày ước ao.

Thờ cha kính mẹ hết lòng,
Ấy là chữ Hiếu, dạy trong luân thường
Thảo thơm, sau trước nhịn nhường,
Nhường anh nhường chị, lẫn nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ, lấy nền con em.

Ba năm bú mớm con thơ,
Kể công cha mẹ, biết cơ ngần nào.
Dạy rằng chín chữ cù lao, (5)
Bể sâu không ví, trời cao không bì.

Chú thích:
(1) Ý nói không bao giờ được phép giận hờn cha mẹ, giận hờn cha mẹ là thất hiếu.
(2) Kẻ bất hiếu coi như đã chết.
(3) Năm câu này nêu lên được lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ khi cha mẹ còn sống.
(4) Một trái núi rất cao to và đẹp bên Trung Hoa.
(5) Chín chữ cù lao: nói công lao khó nhọc của cha mẹ nuôi dạy con cái.
Mượn điển cố trong Kinh Thi: Ai ai phụ mẫu ngã cù lao... Phụ hề sinh ngã. Mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, súc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phúc ngã, xuất nhập phục ngã. Dục báo chi đức, hạo nhiên võng cực. Nghĩa là:
Xót thương cha mẹ ta, sinh ra ta khó nhọc... Cha ta sinh ra ta, mẹ ta nâng đỡ ta từ trong bụng; cha mẹ đã vỗ về nuôi nấng cho ta bú mớm, bồi bổ cho ta khôn lớn, dạy cho ta lời khôn lẽ phải lo lắng theo dõi khi ta đi đâu, dựa theo tính ta mà khuyên răn ta, che chở, giữ gìn cho ta. Muốn báo đền ơn đức cha mẹ, công đức đó như trời rộng không có giới hạn. Người sau nói gọn lại là Chín chữ cù lao (Cửu tự cù lao).

Ca dao với cội nguồn

Uống nước, nhớ nguồn.

Con người có tổ, có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Con chim có tổ, con người có tông.

Con chim tìm tổ, con người tìm tông.

Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây,
Ăn gạo, nhớ kẻ đâm xay giần sàng.

Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây,
Ăn khoai, nhớ kẻ cho dây mà trồng.

Ăn cây nào, vào cây ấy.
Ăn cây nào, rào cây ấy.

Ăn của Bụt, thắp hương thờ Bụt.

Ăn oản, thời phải thờ Phật.
Ăn oản, phải giữ lấy chùa.

Làm quan ăn lộc vua, ở chùa ăn lộc Phật.

Ta về, ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.

Cáo chết ba năm, còn quay đầu về núi.

Một số giai thoại về chuyện vi hành của vua chúa Việt

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Xưa, các đấng quân vương ngoài việc thiết triều bàn nghị việc nước, điều khiển việc quốc gia đại sự, nhiều vị bởi muốn hiểu nhân tình thế thái thế nào nên vi hành vào chốn nhân gian.
Trong sử Việt, những cuộc vi hành của vua chúa không được ghi lại nhiều. Nhưng qua những tài liệu cóp nhặt được từ sử cũ, chúng ta cũng biết được dăm ba điều về các cuộc vi hành ấy, và cũng có những sự khác lạ nhất định.
Vua vi hành, mặc dân gặp cướp
Vua Tự Đức, cũng đồng thời là một nhà thơ nổi tiếng thời Nguyễn, trong Việt sử tổng vịnh, phần Đế vương, khi viết về vua Lý Cao Tông nhà Lý, ngài đã nhận xét về tiền nhân rất nghiêm phê: “Trong thời gian tại vị, Lý Cao Tông xây dựng dinh thự không ngớt, và Đế vui chơi không có chừng mực; giặc giã và trộm cướp trong nước nổi lên như ong, nhân dân đói khát khổ sở gấp bội những năm khác. Cơ nghiệp nhà Lý bắt đầu suy đốn từ đấy”. Lại có thơ rằng:
Cưỡng bão bi tần dĩ tự do,
Cố tương dân mịch phụng bàn du.
Chiêm Thành khúc lý đa ai oán,
Quy Hóa giang đầu thuỷ bất lưu.
Tạm dịch:
Khăn tã tự do thỏa ý trời,
Hại dân chẳng kể, kể rong chơi.
Chiêm Thành khúc hát, lời ai oán,
Quy Hóa đầu sông nước chẳng trôi.
Nhận xét nghiêm khắc của một đấng quân vương dành cho đấng quân vương ở cùng địa vị “thiên tử”, là tấm gương soi chính xác đối với vị vua thứ bảy của nhà Lý. Trị vì đất nước 35 năm (1175 - 1210), là một trong những vị vua trị vì lâu nhất của nhà Lý (chỉ kém vua Lý Nhân Tông) cũng như chế độ phong kiến Đại Việt, nhưng công trạng, sự nghiệp Lý Cao Tông để lại cho hậu thế gần như chẳng có gì. Có chăng là tiếng xấu về sự ham chơi bời, tiêu phí sản nghiệp quốc gia cho những thú vui chơi vô bổ của vua. Nào là ưa phương thuật, sự lạ, tin tài sai bảo hổ của sư Tây Vực năm Đinh Mùi (1187), hay uy trị sấm của Nguyễn Dư năm Bính Dần (1206). Lại chăm việc thổ mộc, xây dựng cung Nghiêm Thiềm năm Đinh Tỵ (1197), dựng gác Kính Thiên năm Quý Hợi (1203)… Đặc biệt, vua rất ưa vi hành, nhưng không phải là quan tâm muôn dân trăm họ, mà để thỏa chí tò mò, sự ham vui chơi của bản thân, như lời Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại: “Vua ngự đi khắp núi sông, phàm ngự đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ”… “vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực”.
Cũng vì cái sự ngao du ấy, có lần vua gặp cảnh “bất bình chẳng tha” (trích lời Lục Vân Tiên trong truyện thơ Nôm cùng tên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu), nhưng đấng kim thượng lại nhắm mắt làm ngơ. Ấy là vào năm Bính Dần (1206) niên hiệu Trị Bình Long Ứng năm thứ hai theo ghi chép của Đại Việt sử lược, việc xảy ra ngay tại kinh thành, khi vua 37 tuổi ta.
Năm đó, trong nước đã loạn lạc dữ lắm, mà vua thích đi chơi, nhưng đường xá không thông được, vua bèn sai làm hành cung Ứng Phong, Hải Thanh ở đầm Ứng Minh, hàng ngày cùng bọn cung nữ đi chơi bời làm vui. Lại lấy thuyền to làm thuyền ngự, lấy các thuyền bé chia làm hai đột, sai bọn cung nữ, phường tuồng chèo thuyền, vua dẫn bọn tả hữu bắt chước nghi vệ thiên tử như khi vua ngự đi chơi đâu vậy. Lại còn lấy sáp ong bọc những tấm lụa và các thứ hải vật thả xuống ao rồi sai người lội xuống mò lên giả làm đồ vật dưới Long Cung đem dâng. Bá quan văn võ thấy vua rong chơi vô độ đều sợ hãi không dám nói.
Một hôm, vua ngự giá đi chơi ở đầm Ứng Minh như mọi khi. Đang lúc cùng bọn hầu cận, cung nữ vui đùa, bỗng nghe từ ngoài thành vọng lại những tiếng kêu thảm thiết. Lại nói thời bấy giờ, đói kém liên miên, bọn giặc cướp có mặt ở khắp nơi, giết người cướp của ngang nhiên như chốn không người. Để ý, cả đoàn mới biết là tiếng người bị ăn cướp đang hô hoán kêu cứu. Mặc dù đủ cả cấm binh vây quanh đến vài lớp, tiếng kêu cứu rõ mồn một, nhưng Lý Cao Tông chỉ ngỡ ngàng một chút, rồi lại cười nói, đùa vui như trước, giả vờ không nghe thấy gì, mặc cho dân đen, con đỏ của mình chẳng có ai giúp đỡ, đành gào thét vì bị cướp của giữa thanh thiên bạch nhật. Thật là:
Vui chơi nào có biết gì,
Thờ ơ phó chuyện an nguy mặc trời.
(Trích Đại Nam quốc sử diễn ca)
Vua siêng đi chơi, bị ném đá vỡ đầu
Đó là trường hợp của vị vua thứ tư nhà Trần: Trần Anh Tông (1293 - 1314). Vua vi hành bị bọn vô lại ném đá, nhưng đó là quãng thời gian khi vua mới lên ngôi còn ham chơi bời. Xét cả thời trị vì 21 năm của vị vua đặt duy nhất niên hiệu Hưng Long này, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí đã ca ngợi công đức của vua là: “Vua khéo nối nghiệp trước, thương dân, lập chính, đời được yên vui, chính trị tốt đẹp, chế độ rực rỡ, đáng khen”. Hay thời Nguyễn, Thái Hà Diên Mậu Hoàng Cao Khải khi viết Việt sử yếu, cũng nhận xét thời vua Trần Anh Tông: “Nhân tài xuất hiện ngày càng nhiều, đạo học chấn hưng ngày càng thịnh, triều vua Trần Anh Tông thật là triều thịnh trị nhất về đời nhà Trần”.
Quản nước tốt đẹp là thế, nhưng không phải lúc nào vua Trần Anh Tông cũng nghiêm cẩn sửa mình như lời dặn của thượng hoàng Trần Nhân Tông:
Thủ thành nối nghiệp gian nan,
Hễ là tửu sắc lòng toan đã chừa.
(Trích Việt sử diễn âm)
Khi vua mới lên ngôi, tuổi độ thanh niên mới lớn, nên tính bồng bột, ham chơi bời, lại có Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông bên mình trị nước, do đó mà chính sự có phần lơ là. Có lần, vì ham uống rượu xương bồ mà suýt bị Thượng hoàng truất ngôi thiên tử bởi giận. May sao có văn nhân Đoàn Nhữ Hài hay thơ làm biểu tạ lỗi mới được vua cha bỏ qua cho lỗi ấy. Ngoài việc thích uống rượu, do tuổi trẻ thích tìm hiểu, nên Anh Tông thỉnh thoảng cũng hay cùng bọn quân hầu vi hành ra ngoài nhân gian thăm thú dân tình, vui chơi thả sức. Khổ nỗi, đi đêm lắm có ngày gặp ma, sự thể ấy được Việt sử cương mục tiết yếu cho hay.
Tính vua thích vi hành, ban đêm thường cải trang làm công tử con quan, lên kiệu cùng hơn chục tên hầu cận rong ruổi khắp kinh thành Thăng Long, nào ngắm tửu quán đông vui, nào xem người qua lại nhộn nhịp, lại mắt liếc tay đưa những bóng hồng lướt qua. Cứ thế cả đoàn đi đến khi gà gáy mới về lại cung cấm. Ấy rồi có đêm khi đến một phường nọ trong kinh thành, bọn thanh niên hư đốn tính hay ghen ghét, tưởng kiệu Anh Tông là công tử con quan nhà ai diễu phố nên thấy ngứa mắt, mới hùa với nhau cầm gạch ném vào kiệu. Bọn người đi theo hầu hoảng hốt lắm, chẳng cần giấu bí mật vua vi hành nữa, mới thét lên cho bọn kia nghe thấy:
- Kiệu của vua đấy!
Nghe đến thiên tử, bọn thanh niên vô lại cả đám chạy tan sợ bị tội. Đến khi xem lại, thì đầu vua đã bị trúng mảnh gạch ném vào, chảy cả máu, cả chục ngày vết thương mới liền sẹo.
Sau, Thượng hoàng Trần Nhân Tông thấy vết sẹo ấy, mới hỏi nguyên do vì sao lại bị thế. Vua Trần Anh Tông cứ thực thà mà tâu lại. Thượng hoàng Nhân Tông bực mình lắm, lắc đầu, tặc lưỡi mãi mới thôi.
Kể ra chuyến vi hành ấy, may mà mới bị ném đá, nếu có ẩu đả nữa, không biết mệnh vua có được bảo toàn. Cũng sau lần bị nạn vi hành, vua Anh Tông ngày càng trở nên thận trọng, nghiêm cẩn hơn trong vui chơi, trị nước, giúp dân cường, nước thịnh, triều đại thêm thịnh đạt, được Việt sử diễn âm hết lời thi tán:
Khiêm xung hiếu hữu bản sinh tri,
Cải quá chung hình tuyệt ẩm thì.
Nghiệp kế thủ văn xưng thịnh chúa,
Nội tu lễ nhạc ngoại thương di.
Nghĩa là:
Hiếu hữu khiêm toàn đức bẩm sinh,
Rượu chừa lỗi sửa bỏ phồn hình.
Trọng văn kế nghiệp đời khen thịnh,
Lễ nhạc tôn súng bốn bể thanh.
Vua hiền gặp trộm giỏi
Thời Lê sơ, vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) được biết đến là một ông vua cai trị sáng suốt, tạo nên đỉnh cao thịnh trị cho bản thân và triều đại. Nói đến vua, đức trị cũng giỏi, pháp trị cũng hay. Thế nên trong Việt sử yếu mới nhận xét rằng: “Bàn về nền quân chủ ở Việt Nam ta, được xưng tụng về văn trị và võ công cực thịnh không lúc nào bằng triều đại Hồng Đức (Lê Thánh Tông)”.
Để yên nghiệp nước, vua không chỉ chăm lo việc giáo hóa, nông tang, mà còn chú trọng tới luật pháp để xã hội đi vào quy củ, Quốc triều hình luật ra đời từ lý do đó. Một trong những trọng tội vua Thánh Tông muốn bài trừ ở mọi góc độ là nạn tham ô, nhũng lạm, nhất là đối với quan lại. Giai thoại dưới đây đề cập tới vấn đề xử tệ nhũng lạm, có liên quan tới chuyến vi hành của vị vua sáng.
Thời vua Thánh Tông trị vì, ở Thăng Long có một tay đạo chích rất giỏi nghề. Nhưng khác với những kẻ chôm chỉa thường thấy khác, hắn hay trộm của nhà giàu chia cho dân nghèo, mà chỉ lấy của những kẻ giàu có bất chính. Do thoắt ẩn, thoắt hiện, ra tay nhanh như chớp nên nhiều người gọi hắn là Quận Gió.
Đúng vào dịp Tết nọ, vua Thánh Tông cải trang vi hành đón giao thừa. Biết tiếng Quận Gió, vua sai người tìm ra nơi Gió đang ở, rồi tự mình giả cách làm học trò trường Giám (Quốc Tử Giám) vào gặp. Chàng giám sinh hờ nói với Quận Gió:
- Tôi ở Thanh Hóa Thừa tuyên, làm học trò trường Giám, năm hết tết đến muốn về quê mà trong tay không còn cắc bạc nào. Dám xin ông giúp cho lộ phí đi đường.
Nghe chàng giám sinh than thở, Quận Gió cảm động. Nói:
- Chẳng giấu gì nhà anh, tôi là Quận Gió, chắc anh đã biết tiếng. Anh nghèo, tôi sẽ giúp. Tiền không có sẵn, nhưng tôi sẽ lấy của mấy tay trọc phú giúp anh. Vậy, bây giờ anh định lấy của nhà ai?
Chàng giám sinh hồ hởi:
- Trộm của phú ông ở cửa Tây thành được không?
- Không được! Ông ấy giàu nhờ cày sâu, cuốc bẫm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng - Quận Gió lắc đầu.
- Vậy trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông thành? – Chàng giám sinh lại tiếp.
Quận Gió lại lắc đầu, đáp:
- Ông ấy người ngay thẳng. Có của là nhờ buôn bán, tích cóp. Giờ anh đợi ở đây, tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho ông vài nén. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn.
Nói xong, Quận Gió nhanh như chớp đã mất hút trong đêm đen. Chưa đầy một khắc, Quận Gió đã quay lại với hai nén bạc trên tay, mỉm cười với chàng giám sinh:
- Hai nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa, nhớ đừng có bòn rút xương máu, công sức của dân mà hãy làm một ông quan liêm.
Chàng giám sinh gật đầu cảm tạ, lại soi hai nén bạc dưới ánh nến, thấy đề bốn chữ: “Quốc khố chi bảo”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bạc trong kho của nhà nước.
Sáng mùng một Tết, chàng giám sinh ấy đã ngự trên ngai vàng, dưới sân điện, các quan tung hô chúc Tết. Khi ấy, vua Thánh Tông mới kể về chuyến vi hành đêm giao thừa, lại cho mọi người chuyền tay nhau hai nén bạc “Quốc khố chi bảo”. Viên quan coi kho mặt cắt không còn giọt máu, bị lột bỏ hết mọi tước vị. Gia sản bị tịch thu, thân bị lưu đày vì tội nhũng lạm quốc khố nhà nước. Còn Quận Gió sau đó được vua cho vời vào cung ban hiệu là “quân tử đạo chích” và ban thưởng rất hậu. Giai thoại vi hành trên của vua phần nhiều mang tính hoang đường, nhưng việc xử nghiêm tệ tham nhũng thì sử sách còn ghi lại nhiều lắm.
Theo KIẾN THỨC

Ca Dao Về Sự Học Hành


Học cao không muốn tranh giành
Những người học ít ưa sanh sự phiền
***
Học hành ba chữ lem nhem
Thấy gái thì thèm như chửa thèm chua 
**
Học hành thi cử mà chi
Sáng ăn no, tối ngủ khì sướng thân.
***
Học hành thì ít vào thân
Chức cao quyền trọng dần dần theo sau
*** 
Học là học đạo làm người
Con đừng lêu lổng kẻ cười người chê 
*** 
Chưa đi học đã quay về
Cơm canh chưa nấu lại trề môi ra 
*** 
Học trò ăn vụng cá kho
Bị thầy bắt được đánh mo lên đầu
***
Học trò ăn vụng càng cua
Bà thầy bắt được, tôi mua tôi đền
***
Học trò đèn sách hôm mai
Ngày sau thi đỗ nên trai mới hào
Làm nên quan thấp, quan cao
Làm nên vọng tía võng đào nghênh ngang
***
Học trò đi mò cơm nguội
Trượt vỏ dưa, té cái đụi, la trời
***
Học trò, học trỏ, học tro
Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng
***
Học trò thò lò mũi xanh
Ăn vụng bánh đúc chạy quanh nhà thầy
***
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành
 

Liên khúc ca dao "Tình đời, tình người"

Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
Sang đâu đến kẻ say sưa rượu chè.

Vai mang túi bạc kè kè
Nói quấy nói quá người nghe rần rần.

Vất vả có lúc thanh nhàn
Không dưng ai dễ cầm tàn che cho.

Làm người phải đắn phải đo
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu.

Ai ơi chớ vội cười nhau
Ngắm mình cho tỏ trước sau hãy cười.

Thổi sáo phải biết truyền hơi
Khuyên người phải biết lựa lời mà khuyên.

Đấy vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý, đây sen nhị hồ.

Thương thay thân phận con rùa
Lên đình đội hạc, ra chùa đội bia.

Người đời ai có dại chi
Khúc sông rộng hẹp phải tuỳ khúc sông.

Thế gian chuộng của chuộng công
Nào ai có chuộng người không có gì.

Hoài lời nói kẻ vô tri
Một trăm gánh chì đúc chẳng được chuông.

Chì khoe chì nặng hơn đồng
Sao chì không đúc nên cồng nên chuông.

Bề trên mà biết bao dung
Thì trăm kẻ dưới hết lòng mến yêu.

Người khôn nói ít làm nhiều
Còn như người dại lắm điều điếc tai.

Chớ nên trông đợi rủi may
Cứ tin vào ở chân tay sức người.

Xuống ghe lựa chỗ mà ngồi
Chèo nghiêng nước đổ bạn ngồi phía mô.

Cá khôn chẳng núp bóng dừa
Gái khôn chẳng thể lê la nhà người.

Dù no dù đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ là người lo toan.

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.

Còn tiền chán vạn người mời
Hết tiền anh đứng trông trời thở than.

Rượu ngon chẳng nệ be sành
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.

Từ rày buộc chỉ cổ tay
Chim đậu thì bắt, chim bay thì đừng.

Hơi đâu mà giận người dưng
Bắt sao cho được chim rừng đang bay.

Dù ai nói đông nói tây
Thì ta vẫn vững như cây giữa rừng.

Canh cải mà nấu với gừng
Không ăn thì chớ xin đừng mỉa mai.

Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Bạn bè chuyện vãn vài phân
Chớ đem tấc dạ mười phần tuôn ra.

Thương người người mới thương ta
Muối kia bỏ bể mặn đà có nơi.

Thay quần thay áo thay hơi
Thay dáng thay dấp tính người không thay.

Đời người có một gang tay
Ai hay ngủ ngày còn có nửa gang.

Vàng thì thử lửa thử than
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

Vàng tâm xuống nước vẫn tươi
Anh hùng lâm nạn vẫn cười, vẫn vui.

Chuyện mình giấu đầu hở đuôi
Chuyện xấu cho người vạch lá tìm sâu.

Đàn đâu mà khảy tai trâu
Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi.

Nói lời thì giữ lấy lời
Đừng như bươm bướm đậu rồi lại bay.

Thức lâu mới biết đêm dài
Ở lâu mới biết lòng người có nhân.

Nói người phải nghĩ đến thân
Sờ tay lên trán thử gần hay xa.

Năm canh thì ngủ lấy ba
Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn.

Bấy lâu sao chẳng nói năng
Bây giờ năng nói thì trăng xế tà.

Bánh bò gầy cái hôm qua
Hôm nay đem đổ lại ra bánh bèo.

Thần tiên lúc túng cũng liều
Huống chi thân cú quản điều hôi tanh.

Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông thanh khẽ đánh bên thành cũng kêu.

Đất xấu trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu.

Trời có khi nắng khi mưa
Người còn khi sớm khi trưa thất thường.

Anh hùng như thể thân lươn
Khi cuộn thì ngắn, khi vươn thì dài.

Khó thì hết thảo hết ngay
Công cha cũng bỏ, nghĩa thầy cũng quên.

Cách sông nên phải lụy thuyền
Nhưng đi đường liền ai phải lụy ai.

Khi ăn chẳng nhớ đến tai
Đến khi bị phỏng lấy ai mà rờ.

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Trời nào có phụ ai đâu
Siêng năng thì giàu, có chí thì nên.

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
Có tiền có gạo là tiên trên đời.

Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

Làm người ăn tối, lo mai
Việc mình chớ dễ nhờ ai lo dùm.

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Trời nắng rồi trời lại mưa
Chứng nào tật nấy có chừa được đâu.

Sông kia có lạ gì cầu
Lòng người nham hiểm biết đâu mà dò.

Bởi anh tin bợm mất bò
Tin bạn mất vợ nằm co một mình.

Khi nghèo thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em.

Lửa cháy còn chế dầu thêm
Người thì can gián, người chêm mãi vào.

Xưa kia ăn đâu ở đâu
Bây giờ có bí chê bầu rằng hôi.

Tưởng rằng đá nát thì thôi
Nào ngờ đá nát nung vôi lại nồng.

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Tối trời trăng sáng hơn sao
Dẫu rằng núi lở còn cao hơn đồi.

Chăm chăm chỉ biết véo người
Ai mà véo lại rụng rời chân tay.

Rế rách cũng đỡ phỏng tay
Lư đồng hết sáng cũng vương mùi trầm.

Thử xem thế sự thăng trầm
Xưa ngơi gác tía, nay nằm chòi tranh.

Con sâu làm rầu nồi canh
Một người làm đĩ xấu danh đàn bà.

Giàu sang lắm kẻ tới nhà
Khó khăn cha mẹ ruột rà cũng xa.

Làm người suy nghĩ lại qua
Cho tường gốc ngọn cho ra vắn dài.

Càng thắm thì càng dễ phai
Thoang thoảng hoa nhài thì được thơm lâu.

Đố ai lặn xuống vực sâu
Mà đo miệng cá uốn câu cho vừa.

Sa chân bước xuống ruộng dưa
Dù ngay đến mấy cũng ngờ kẻ gian.

Lễ lộc mang đến cửa quan
Khác nào như thể mang than đốt lò.

Khi yêu quạt ấm cũng cho
Khi ghét thì cái quạt mo cũng đòi.

Ăn sao cho được mà mời
Thương sao cho được vợ người mà thương

Giếng sâu dây ngắn lỡ chừng
Bởi anh bạc trước, sau đừng trách em.

Đã lâu mới gặp bạn quen
Cũng bằng nấu cháo đậu đen xanh lòng.

Nước lên thì nước lại ròng
Dễ gì bắt được con còng trong hang.

Hèn mà làm bạn với sang
Chỗ ngồi chỗ đứng có ngang bao giờ?

Con tằm, con nhện vương tơ
Mấy đời tơ nhện được như tơ tằm.

Hoa sen mọc bãi cát lầm
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen.

Muốn trong nước phải đánh phèn
Mua phèn phải tốn đồng tiền mới trong.

Chim khôn gìn giữ bộ lông
Người khôn khi nói cũng không dậm lời.

Khó khăn đắp đổi lần hồi
Giàu sang chẳng lẽ chỉ ngồi ăn không.

Thứ nhất sợ kẻ anh hùng
Thứ nhì sợ kẻ bần cùng cố thây.

Anh đây như thể lão chài
Vực sâu thả lưới, bãi chài buông câu.

Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm.

Chữ nhẫn là chữ tượng vàng
Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu.

Ai ơi! Chớ vội cười nhau
Cây nào mà chẳng có sâu chạm cành.

Cạn thì cuộn áo xắn quần
Sâu thì phải dấn cả thân ướt đầm.

Gẫm xem sự thế thăng trầm
Xưa ông mặt lớn, nay thằng tay trơn.

Tưởng rằng củi mục dễ đun
Ngờ đâu củi mục khói um cả nhà.

Đất tốt trồng cây rườm rà
Những người thanh lịch nói ra quý quyền.

Mặc đời danh lợi bon chen
Thuyền trôi mặt nước, ngồi xem trăng ngà.

Ðói lòng, nuốt trái khổ qua
Nuốt vô sợ đắng, nhả ra bạn cười.

Yêu ai đừng nói quá ưa
Ghét ai đừng nói thiếu thừa như không
Khác nào quạ muợn lông công
Ngoài hình xinh đẹp trong lòng xấu xa.

Mua trâu, cưới vợ, làm nhà
Cả ba việc ấy đều là khó thay!

Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.

Trần Hồng Giang (sưu tầm và biên soạn)