Vẻ đẹp bất khuất của phụ nữ Việt Nam thời chiến

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

 

Các bức hình tư liệu quý về những người phụ nữ đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.

“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” - đó là 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng cho người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến. Vẻ đẹp của các nữ thanh niên xung phong đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều câu hát về họ: “Cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn…”

Trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, nhiều cô gái trẻ đã dành trọn những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời mình chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Hình ảnh đặc trưng của người nữ du kích với mái tóc dài tết. Khuôn mặt của người nữ chiến sĩ toát lên một sự quả cảm và kiên định. Trong những năm tháng gian nguy của đất nước, hàng vạn cô gái đã tình nguyện lên đường bảo vệ non sông.

Vẻ đẹp bất khuất của phụ nữ Việt Nam thời chiến 2

Hai nữ chiến sĩ phòng không tại Hậu Lộc, Thanh Hóa đang điều khiển súng phòng không để bắn máy bay. Những cô gái tưởng như “chân yếu tay mềm” đã góp một phần lớn công lao to lớn bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. 

Vẻ đẹp bất khuất của phụ nữ Việt Nam thời chiến 3

Nhân vật trong ảnh là nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Cần, người Nghệ An. Cô là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 1967. Thời đó, các nữ thanh niên xung phong gánh vác những nhiệm vụ như vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến, cứu trợ thương binh và lấp hố bom mở đường. 

Vẻ đẹp bất khuất của phụ nữ Việt Nam thời chiến 4

Chiến trường gian khổ đã rèn luyện bản lĩnh cho những người con gái Việt Nam. Họ mang tới 40kg lương thực, đạn dược trên lưng và không ít lần trực tiếp tham gia những trận đánh khốc liệt. 

Vẻ đẹp bất khuất của phụ nữ Việt Nam thời chiến 5

Bức ảnh chụp “O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai áp giải một phi công Mỹ bị bắt vào năm 1965. Hình ảnh một nữ dân quân nhỏ bé áp giải viên phi công cao lớn đã trở thành biểu tượng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giữa một dân tộc nhỏ bé với kẻ thù lớn hơn gấp nhiều lần. 

Vẻ đẹp bất khuất của phụ nữ Việt Nam thời chiến 6

Tấm ảnh chụp năm 1969 của nữ Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam - La Thị Tám. Cô đã đếm và cắm tiêu 1.205 quả bom do địch trút xuống để lực lượng công binh của ta đến phá bom, đảm bảo thông suốt cho tuyến đường tiếp viện vào Nam. Cô được phong anh hùng khi mới 20 tuổi. 

Vẻ đẹp bất khuất của phụ nữ Việt Nam thời chiến 7

Sự kiên cường toát lên trong ánh mắt của người nữ chiến sĩ trong bức ảnh. Thời đó, những cô gái xung phong ra chiến trường với khát khao bảo vệ cuộc sống hòa bình của quê hương, thành quả mà ngày nay mỗi chúng ta đang được thừa hưởng. 

Vẻ đẹp bất khuất của phụ nữ Việt Nam thời chiến 8

Người nữ giải phóng quân nở một nụ cười tươi rói trong đợt tiến công cuối cùng vào giải phóng Sài Gòn. Công cuộc thống nhất đất nước có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ cầm súng, mà trong số họ có nhiều người đã nằm lại chiến trường.    

Vẻ đẹp bất khuất của phụ nữ Việt Nam thời chiến 9

Bức hình toát lên vẻ đẹp mộc mạc và hồn nhiên của những nữ chiến sĩ Việt Nam. Khi tuổi đời còn rất trẻ, họ đã cống hiến thật nhiều cho đất nước…
Ngày 20/10 hàng năm được chọn là Ngày Phụ Nữ Việt Nam, đó là sự ghi nhận của đất nước với những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: "Cần cù, bất khuất, trung hậu, đảm đang". 

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. 

Chính vì vậy mà vào ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Tổ chức cao cấp nhất của phụ nữ Việt Nam đã ra đời, đánh dấu một mốc quan trọng, chính thức công nhận vai trò và thể hiện sự tôn trọng bình đẳng của nam giới đối với phụ nữ. 
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: History.com, Flickr, Taringa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét