Gia phong là gì ?

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Gia phong được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình phong kiến, nếp nhà (Từ điển Hán Việt, Từ điển tiếng Việt) hay Gia thế tương truyền chi phong thượng (Gia thế được truyền lại thành phong tục thông thường trong xã hội). Như vậy văn hóa gia đình bao gồm nhiều yếu tố, trong đó gia phong là một từ dùng chỉ chung cho văn hóa, cách nghĩ, cách ứng xử của gia đình, gia tộc.



Muốn giữ vững gia phong cần có gia giáo, tức là sự giáo dục theo truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Phải có gia lễ tức là những nghi lễ, tập tục, cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử đã trở thành truyền thống, được cha ông chọn lựa qua nhiều thế hệ, nay con cháu cần noi theo.

Phải có gia huấn để truyền dạy những điều hay lẽ phải phù hợp với gia đình và đạo lý chung của cộng đồng. Gia phạm, gia tắc để nói về quy phạm, chuẩn mực, quy tắc trong gia đình, gia tộc. Chặt chẽ hơn thì có gia pháp để bắt lỗi, buộc tội hay khen thưởng đúng mực.

Phải có gia phả để cháu con biết ngọn ngành tổ tông, công đức tổ tông cũng như những mối quan hệ thân tộc hiện tại.

Điều quan trọng hơn cả là ông bà, cha mẹ luôn luôn hằng ngày thực hiện làm gương cho con cháu noi theo nhằm giữ gìn gia thanh là tiếng thơm của gia đình, dòng tộc. Điều này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến gia thế (ảnh hưởng của các đời, thế lực của gia đình, gia tộc đối với xã hội), khi ấy là đã giữ gìn tốt gia đạo (Thà đui mà giữ đạo nhà - Nguyễn Đình Chiểu)

Gia phong thuộc phạm trù văn hóa đạo đức. Ở cấp gia đình hạt nhân thì nó là gia phong, ở cấp dân tộc thì nó là đạo đức, văn hóa dân tộc, thể hiện bản lĩnh dân tộc. Gia phong tạo bản lĩnh cho mọi thành viên trong gia đình có thể vững vàng ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Gia phong được gìn giữ thì văn hóa gia đình phát triển bền vững.

Gia phong là bộ phận trọng yếu của giáo dục dân gian, gia phong đã hòa trộn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, từ đó tạo sự bền vững cho gia đình người Việt và nó càng phát triển mạnh khi các gia tộc truyền thống Việt tiếp thu một số tư tưởng giáo dục từ Nho giáo là chủ yếu (thực chất gia phong còn chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo nhưng không đậm nét như Nho giáo).

Gia phong của những gia đình cự tộc, khoa bảng, quan chức thường ảnh hưởng mô hình gia đình Hán. Gia phong của những gia đình nông dân, bình dân thường mang chở nhiều yếu tố bản địa. Tuy nhiên hàng ngàn năm qua, việc dân gian hóa cái cung đình của văn hóa Hán mà người Việt vay mượn, và cung đình hóa cái dân gian nhằm nâng văn hóa dân gian gần với văn hóa bác học đã được làm rất tốt.

Dù định chuẩn gia phong mỗi thời kỳ có những quy định cụ thể khác nhau nhưng cốt lõi của gia phong luôn nhắm tới tinh thần chuộng gốc nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung tình nghĩa, anh em hiếu thuận trong ứng xử, việc học tập lấy tâm, tri, năng làm gốc…

Một số bộ sách tiêu biểu như Huấn tử ca, Huấn nữ ca, Cổ huấn tử ca (Khuyết danh, lưu tại Viện Hán Nôm), Gia huấn ca (Nguyễn Trãi), Bùi gia huấn hài (Bùi Dương Lịch), Thơ dạy làm dâu (Trương Vĩnh Ký)... được soạn ra với nhiều lời răn dạy từ các tác giả dân gian, các nhà nho học uyên thâm đã có giá trị to lớn trong di dưỡng tinh thần, bồi bổ gia phong của gia đình và xã hội.

Gia phong là sản phẩm của xã hội phương Đông, của Nho giáo, coi trọng gia đình, gia tộc, đề cao vai trò của người cha và chế độ gia trưởng, cổ súy tinh thần trung quân ái quốc... đồng thời cũng còn nhiều hạn chế khác như coi thường phụ nữ, mất dân chủ trong gia đình.

Có thời gian gia phong bị xem nhẹ, người ta chỉ chấp nhận quan điểm giai cấp, nhiều giá trị xưa bị xếp vào giá trị phong kiến. Trên thực tế, công việc cần đẩy mạnh hơn nữa là đề cao những giá trị tích cực của gia phong, khơi gợi và phát huy tinh túy của gia phong để văn hóa gia đình, dòng họ, xứ sở vùng miền (Gia phong họ Đào, Lê, Nguyễn, gia phong xứ Bắc, gia phong xứ Nghệ.v.v...) ngày càng phát huy thế mạnh, trở thành hạt nhân cơ bản trong xây dựng nền văn hóa quốc gia ổn định, phát triển.

NGỌC TRUNG
Cuộc Sống Bên Tôi,Kho Tri Thức,PhoTo Gallery

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét