Dòng chảy xa bờ, sống sót khi đi tắm biển

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Kiến thức bổ ích cho những người, gia đình nào sống gần biển, hay đi chơi biển, tắm biển, chuẩn bị kiến thức, hiểu biết và cách cứu nguy khi rơi vào vùng nước xoáy, còn gọi là dòng chảy xa bờ.

Dòng chảy xa bờ là gì ?Thông thường sóng đánh ở ngoài khơi, nước chỉ chuyển động dập dờn tại chỗ, nhưng với sóng ở gần bờ, thì nước được dồn từ biển lên bờ. Do mực nước càng gần bờ càn nông hơn so với ngoài khơi. Chính vì thế lượng nước được đưa từ ngoài khơi này vào bờ chúng tập hợp lại cho đến khi tìm được đường ra biển tạo nên dòng chảy xa bờ (RIP CURRENT)

Dòng chảy xa bờ thông thường có chiều rộng khoảng 1-3m, cũng có khi rộng đến cả chục mét, phụ thuộc vào địa hình của bờ biển. Hiện tượng sảy ra tại bất cứ đâu có sóng đánh vào bờ của đại dương, bãi biển, hồ lớn.

Dòng chảy xa bờ thông thường có vận tốc thay đổi từ 0.5m/s đến 1m/s đôi khi có thể đạt tới 2m/s(nhanh hơn so với cả vận động viên bơi lội Olympic)

Nguyên nhân:

Sóng đập vào bờ khiến nước rẽ sang hai bên, dòng nước này di chuyển dọc theo bờ cho đến khi tìm ra lối thoát ngược ra khơi. Thường thì dòng chảy rút xa bờ hoạt động trong phạm vi hẹp và xảy ra trong vùng nước có những dải cát, dưới cầu tàu, hoặc dọc những đê chắn sóng.
Nhiều người hiểu lầm rằng dòng chảy rút xa bờ đủ mạnh để kéo nạn nhân xuống dòng nước sâu, nhưng thật ra dòng chảy này chỉ mạnh khi hoạt động trên mặt nước. Chính vì dòng chảy mạnh trên mặt nước nên nó có khuynh hướng nhấn chìm những đợt sóng khiến người ta nghĩ rằng đây là vùng biển lặng và thu hút nhiều người đến tắm.
Đã có những thí nghiệm với mục đích dò ra dòng chảy rút xa bờ bằng cách đổ nước nhuộm màu vào đầu dòng chảy ngay tại bờ biển



Cách nhận dạng dòng chảy xa bờ

Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:

Có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.


Có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.
 Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ / bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.




Dòng chảy rút xa bờ là nguy cơ rình rập những ai thích tắm, bơi lội, hoặc lướt sóng ở biển và hồ. Chúng kéo họ ra xa bờ. Cái chết do đuối nước sẽ đến khi họ kiệt sức vì cố bơi ngược dòng chảy.
Dòng chảy rút xa bờ cũng gây nguy hiểm cho những người không biết bơi: một người đứng tắm ở mực nước ngang hông vẫn có thể bị kéo ra xa, bị chết đuối vì không biết bơi hoặc do không mang phao cứu sinh. Phụ thuộc vào địa hình, có những bãi biển thường có dòng chảy rút xa bờ, một vài bãi biển khét tiếng vì thường xuyên có dòng chảy loại này.
Hiểm họa lớn nhất trong số những mối nguy hiểm tự nhiên xảy ra tại các bãi tắm là do dòng chảy rút xa bờ.
Dù vậy, những vận động viên lướt ván và bơi xuồng kayak thường sử dụng dòng chảy rút xa bờ để ra khơi mà không tốn nhiều sức.
Nhưng khi mắc phải dòng xoáy tử thần, bạn hãy cố gắng thực hiện những điều sau đây:
Nên nhớ rằng dòng chảy không nhấn chìm bạn xuống nước, nó chỉ kéo bạn ra xa khỏi bờ, và nó chỉ hoạt động trong một phạm vi hẹp.

Không được hoảng sợ. Đây là điều tối quan trọng. Cảm giác bị cuốn trôi ra ngoài khơi chắc chắn sẽ rất tệ và kinh khủng, nhưng hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Dòng rút bờ sẽ không hút bạn xuống đáy mà chỉ đưa bạn ra xa bờ thôi. Và thông thường, dòng chảy tức thời đưa bạn ra xa bờ khoảng 30m.

Không bơi ngược dòng. Đừng cố gắng bơi ngược dòng chảy xa bờ bởi hầu hết các trường hợp chết đuối vì dòng ngược không phải vì bị hút xuống dưới mà vì người bị nạn quá hoảng loạn và cố gắng bơi ngược dòng nước. Đây là điều không thể, vì với vận tốc 2,5m/s thì dù có là Michael Phelps - anh chàng kình ngư người Mỹ với nhiều kỷ lục thế giới - cũng sẽ kiệt sức và chết đuối mà thôi.

Bơi ngang bờ biển. Thay vì cố bơi ngược dòng, hãy tìm cách bơi song song với bờ biển, tức là vuông góc với dòng chảy. Sau khi đã thoát khỏi dòng xoáy, hãy bơi chéo góc và hướng về phía bờ.


Đi theo dòng chảy. Đối với những người không biết bơi, hoặc đã đuối sức, không đủ thể lực để thoát khỏi dòng ngược, hãy thả nổi mình trôi theo dòng. Khi đã hết dòng ngược, cố gắng bơi song song với bờ biển, hoặc ra hiệu cho cứu hộ hoặc người dân gần đó ứng cứu.

- Đối với người bơi yếu+ Bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển / đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.+ Nếu đòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ. Một lần nữa, nếu thấy không thể chạm bờ biển / đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.
- Nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn, cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.

- Cần biết bơi và không nên bơi một mình. Nếu bạn không chắc thì không nên xuống biển tắm.

Không nên cho trẻ ngủ với gối

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Không giống như những gì chúng ta hay nghĩ, gối không phải là một vật dụng cần thiết cho trẻ sơ sinh. Thực tế, trong 2 năm đầu tiên sau sinh, bạn không nên cho con nằm gối! Những lý do sau đây sẽ thuyết phục bạn:

1. Ngạt thở
Nếu nghĩ rằng nằm trên một chiếc gối sẽ giúp con bạn ngủ tốt hơn, bạn đã sai hoàn toàn. Đầu của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, nó có thể chìm vào gối mềm và có thể làm tăng nguy cơ ngạt thở. Hơn nữa, mũi của bé rất nhỏ và ngắn, một phần nào đó sẽ bị đè ép bởi chiếc gối và làm hạn chế luồng không khí khi bé di chuyển đầu.
2. Tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh
Ngoài nghẹt thở, gối làm tăng nguy cơ đột tử bằng nhiều cách. Nếu gối được nhồi với miếng bọt biển hoặc hạt xốp, lâu ngày nó có thể bị xẹp, trở nên lỏng lẻo và dễ dẫn đến ngạt thở. Bạn có thể hạn chế sự chuyển động của bé bằng những chiếc gối hình móng ngựa.
 Cho bé kê gối không phải là việc làm thông minh. Ảnh minh họa
3. Quá nóng
Gối trẻ ưa thích nhất thường có màu sắc hấp dẫn do được làm bằng sợi polyester. Điều này có thể làm tăng lượng nhiệt bên dưới đầu và dẫn đến biến động nhiệt độ trong cơ thể. Cần nhớ rằng khả năng điều nhiệt của bé không tốt như người lớn.
Đổ mồ hôi quá mức hoặc nhiệt do vỏ gối có thể dẫn đến một tình trạng gọi là tăng thân nhiệt, đây có thể là nguyên nhân gây tử vong và đe dọa tính mạng bé.
4. Bong gân cổ
Hầu hết gối trẻ sơ sinh mềm mịn và không bằng phẳng. Trên thực tế, điều này khiến bé dễ bị trặc cổ khi ngủ trong nhiều giờ.
5. Hội chứng đầu phẳng
Ngủ trên một chiếc gối mềm quá lâu có thể làm phát sinh hội chứng đầu phẳng ở trẻ do áp lực không đổi. Trong khi quan trọng là phải đặt phần sau đầu xuống gối để giảm các trường hợp đột tử, điều này có thể dẫn đến biến dạng cấu trúc trong đầu khi sử dụng một chiếc gối ngủ.
Rõ ràng việc cho con bạn nằm gối chẳng mang lại một ích lợi nào, chẳng những thế mà còn có thể gây ra những điều không mong muốn. Theo khuyến cáo thì trong 2 năm đầu tiên của cuộc đời của trẻ, bạn không nên để bé nằm gối, không có gối, bé vẫn có thể ngủ ngon và hoàn toàn thoải mái.
Theo Pháp luật TPHCM

Mèo chuột và sự tự do

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Có một con chuột con rời khỏi hang của mình để đi dạo chơi khi mẹ vắng nhà. Nó thơ thẩn khắp nơi, rồi về kể lại mẹ nghe : - “Này mẹ ơi. Con đã gặp hai con thú đó mẹ. Một con thú rất dữ tợn, còn con kia hiền khô ”. Mẹ nó hỏi: - “Con tả cho Mẹ nghe xem hai con thú ấy ra làm sao nào ?”. Chuột con thưa: - “Một con trông dữ tợn lắm mẹ ạ ! Nó đi đi lại lại. Chân nó mang hai thanh kiếm nhọn hoắt, trên đầu nó có cái mào đỏ ối, cặp mắt nó lồi ra, còn cái mỏ nó khoằm xuống. Khi con đi ngang, nó há hốc cái mồm ra, vỗ cánh ầm ầm, bụi bay mịt trời, rồi lên tiếng quát to và kéo thiệt dài, con sợ quá


, phải chạy thoát thân ! – “Đấy là con gà trồng, con ạ ! – Chuột mẹ nói - trông nó hung dữ thế, nhưng hiền lắm, chẳng làm hại ai đâu ! Con đừng sợ nó ! Thế còn con thú kia ra sao ?”. Con thú kia đang nằm ngoài nắng sưởi ấm. Cổ nó trắng, chân nó xám, mượt mà, đẹp lắm mẹ ạ. Nó đưa lưỡi liếm liếm cái ngực trắng của nó và cái đuôi hơi ngoe ngoẩy. Trông nó hiền từ lắm mẹ ơi ! Con tính lại làm quen thì cái tên gà trống la rống lên, làm con sợ nên con chạy về !” . Chuột mẹ nghe mà lạnh mình: - “Trời ơi ! Đó chính là con mèo đó, con ạ ! Kẻ thù không đội trời chung của dòng họ chuột nhà ta đấy con ơi ! Trông nó hiền từ nhưng rất hung dữ đấy con, đặc biệt là rất độc ác đối với dòng họ nhà mình đó ! Không nhờ tiếng gáy của chú gà trống là con mất mạng rồi ! Mẹ cấm con không được đi lang thang một mình đấy nhé ! Con chưa biết phân biệt ai là thù ai là bạn đâu !”


Gia phong là gì ?

Gia phong được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình phong kiến, nếp nhà (Từ điển Hán Việt, Từ điển tiếng Việt) hay Gia thế tương truyền chi phong thượng (Gia thế được truyền lại thành phong tục thông thường trong xã hội). Như vậy văn hóa gia đình bao gồm nhiều yếu tố, trong đó gia phong là một từ dùng chỉ chung cho văn hóa, cách nghĩ, cách ứng xử của gia đình, gia tộc.



Muốn giữ vững gia phong cần có gia giáo, tức là sự giáo dục theo truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Phải có gia lễ tức là những nghi lễ, tập tục, cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử đã trở thành truyền thống, được cha ông chọn lựa qua nhiều thế hệ, nay con cháu cần noi theo.

Phải có gia huấn để truyền dạy những điều hay lẽ phải phù hợp với gia đình và đạo lý chung của cộng đồng. Gia phạm, gia tắc để nói về quy phạm, chuẩn mực, quy tắc trong gia đình, gia tộc. Chặt chẽ hơn thì có gia pháp để bắt lỗi, buộc tội hay khen thưởng đúng mực.

Phải có gia phả để cháu con biết ngọn ngành tổ tông, công đức tổ tông cũng như những mối quan hệ thân tộc hiện tại.

Điều quan trọng hơn cả là ông bà, cha mẹ luôn luôn hằng ngày thực hiện làm gương cho con cháu noi theo nhằm giữ gìn gia thanh là tiếng thơm của gia đình, dòng tộc. Điều này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến gia thế (ảnh hưởng của các đời, thế lực của gia đình, gia tộc đối với xã hội), khi ấy là đã giữ gìn tốt gia đạo (Thà đui mà giữ đạo nhà - Nguyễn Đình Chiểu)

Gia phong thuộc phạm trù văn hóa đạo đức. Ở cấp gia đình hạt nhân thì nó là gia phong, ở cấp dân tộc thì nó là đạo đức, văn hóa dân tộc, thể hiện bản lĩnh dân tộc. Gia phong tạo bản lĩnh cho mọi thành viên trong gia đình có thể vững vàng ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Gia phong được gìn giữ thì văn hóa gia đình phát triển bền vững.

Gia phong là bộ phận trọng yếu của giáo dục dân gian, gia phong đã hòa trộn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, từ đó tạo sự bền vững cho gia đình người Việt và nó càng phát triển mạnh khi các gia tộc truyền thống Việt tiếp thu một số tư tưởng giáo dục từ Nho giáo là chủ yếu (thực chất gia phong còn chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo nhưng không đậm nét như Nho giáo).

Gia phong của những gia đình cự tộc, khoa bảng, quan chức thường ảnh hưởng mô hình gia đình Hán. Gia phong của những gia đình nông dân, bình dân thường mang chở nhiều yếu tố bản địa. Tuy nhiên hàng ngàn năm qua, việc dân gian hóa cái cung đình của văn hóa Hán mà người Việt vay mượn, và cung đình hóa cái dân gian nhằm nâng văn hóa dân gian gần với văn hóa bác học đã được làm rất tốt.

Dù định chuẩn gia phong mỗi thời kỳ có những quy định cụ thể khác nhau nhưng cốt lõi của gia phong luôn nhắm tới tinh thần chuộng gốc nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng gia đình, thủy chung tình nghĩa, anh em hiếu thuận trong ứng xử, việc học tập lấy tâm, tri, năng làm gốc…

Một số bộ sách tiêu biểu như Huấn tử ca, Huấn nữ ca, Cổ huấn tử ca (Khuyết danh, lưu tại Viện Hán Nôm), Gia huấn ca (Nguyễn Trãi), Bùi gia huấn hài (Bùi Dương Lịch), Thơ dạy làm dâu (Trương Vĩnh Ký)... được soạn ra với nhiều lời răn dạy từ các tác giả dân gian, các nhà nho học uyên thâm đã có giá trị to lớn trong di dưỡng tinh thần, bồi bổ gia phong của gia đình và xã hội.

Gia phong là sản phẩm của xã hội phương Đông, của Nho giáo, coi trọng gia đình, gia tộc, đề cao vai trò của người cha và chế độ gia trưởng, cổ súy tinh thần trung quân ái quốc... đồng thời cũng còn nhiều hạn chế khác như coi thường phụ nữ, mất dân chủ trong gia đình.

Có thời gian gia phong bị xem nhẹ, người ta chỉ chấp nhận quan điểm giai cấp, nhiều giá trị xưa bị xếp vào giá trị phong kiến. Trên thực tế, công việc cần đẩy mạnh hơn nữa là đề cao những giá trị tích cực của gia phong, khơi gợi và phát huy tinh túy của gia phong để văn hóa gia đình, dòng họ, xứ sở vùng miền (Gia phong họ Đào, Lê, Nguyễn, gia phong xứ Bắc, gia phong xứ Nghệ.v.v...) ngày càng phát huy thế mạnh, trở thành hạt nhân cơ bản trong xây dựng nền văn hóa quốc gia ổn định, phát triển.

NGỌC TRUNG