Tháng 6 năm 1950, nhân chuyến công tác nhà văn Sơn Tùng may mắn được cụ Nguyễn Sinh Khiêm - anh ruột Bác Hồ rút trong cặp quyển “ Tất Đạt tự ngôn” tặng nhà văn. Sau đó ít tháng, cụ Khiêm qua đời. Trong cuốn sách cụ tặng có ghi ba bài thơ về thời niên thiếu của Bác Hồ.
Sơn Tùng kể : “ Ba bài thơ này hấp dẫn tôi. Thời đó tôi là một thanh niên học sinh đi hoạt động “ Đoàn thanh niên cứu quốc”. Cụ đưa cho tôi đọc. Bài thơ hay quá. Thấy tôi ngỡ ngàng không tin, cụ bảo:
- Cháu là người có tấm lòng muốn tìm hiểu gia đình bác thì bác đưa cho cháu tập ghi chép này, thấy có ích thì cháu dùng, bằng không thì đốt đi đừng giao nó cho ai vì trong này, bác ghi nhiều cái không tiện nói ra.
Mở tập sách, tôi thấy ba bài thơ đó là: trên đèo Ngang hai bài sáng tác năm 1895, còn bài “ Ba ông phỗng” sáng tác năm 1903. Theo lời kể cụ cả Khiêm thì năm 1895, gia đình cụ quyết định vào Huế không phải là làm ăn sinh sống mà muốn cho anh em cụ vào đó để học- cha cụ vào đó để làm bạn với các nhà khoa bảng ở kinh đô. Các ông quan thời đó đều là tiến sĩ, hoàng giáp ít ra là cử nhân. Đúng là ông vào Huế để tạo ra được một chiếu văn. Các ông quan trong triều thường đến bình văn, bình thơ cùng các cụ đồ ở kinh đô.
Chuyến đi vào Huế năm đó hết sức vất vả. Mọi người phải đi bằng dép mo cau, một lúc rách là thay đôi khác. Bé Tất Thành lúc đó mới năm tuổi được bố cõng trên lưng. Trên cao, bé quan sát hỏi hết chuyện này đến chuyện khác còn Nguyễn Sinh Khiêm chẳng thấy vui bởi chân bị rộp. Đến đoạn đường bằng, bé Thành chạy tung tăng hỏi nhiều thứ.
Lúc đến chân Đèo Ngang, đường sát biển hơn không như bây giờ. Đến chân đèo có bãi cỏ bằng phẳng, bà Loan đặt gánh xuống, cụ Sắc xếp ô lại bảo:
- Hãy nghỉ lại ăn cơm rồi vượt đèo.
Bé Thành hỏi cha:
- Thưa cha, cái gì mà lại ngoằn nghoèo như rứa?
Cụ Sắc giải thích: - Đó là con đường mòn vắt qua đèo, tý nữa ta phải đi qua đó. Bé Thành ứng khẩu đọc bài thơ. Sau này cụ Khiêm ghi lại trong “ Tất Đạt tự ngôn”. Bài thơ như sau:
Núi cõng con đường mòn
Cha thì cõng theo con
Núi nằm ì một chỗ
Cha đi cúi lom khom
Đường bám lì lưng núi
Con tập chạy lon ton
Cha siêng hơn hòn núi
Con đường lười hơn con
Trong bài thơ này, cái gì thuộc về thiên nhiên là tĩnh, cái gì thuộc về con người là động. “ Núi cõng con đường mòn”, “ Đường bám lì lưng núi” là tĩnh. “ Cha thì cõng theo con” , “ Con tập chạy lon ton” là động. Thơ hay bởi cái thần. Lời ngộ nghĩnh của đứa bé điều đó dễ hiểu. Đó là vấn đề tư tưởng, tầm nhìn này hơi khác lạ.
Trở lại câu chuyện về chuyến đi. Anh cả Khiêm thì rộp chân, nhăn nhó còn bé Thành thì chạy nhảy, hỏi cha nhiều chuyện.
- Cái gì kia sao lại rộng thế tựa như chiếc ao lớn hở cha?
Cụ Sắc giải thích:
- Không phải là ao đâu con ạ! Đó là biển đấy!
Lúc đó đứng trên Đèo Ngang là nhìn thấy biển. ở đây đi xuống là đến Ròn - tức Cảnh Dương của Quảng Bình. Lần đầu tiên thấy biển bé Thành cứ tưởng là ao. Cụ Sắc nhắc lại là biển. Bé Thành lại hỏi:
- Cha ơi, tại sao bò lại lội trên biển?
- Không phải bò đâu con, đó là cánh buồm nâu nhờ gió đẩy nên thuyền mới chạy được trên biển đấy!
Bé Thành ứng khẩu đọc bài thơ thứ hai:
Biển là ao lớn
Thuyền là con bò
Thuyền ăn no gió
Lội trên mặt nước
Em nhìn thấy trước
Anh trông thấy sau
Ta lớn mau mau
Vượt qua ao lớn
Cụ Khiêm tâm sự với Sơn Tùng:
- Cái lẽ thường tình anh phải nhìn thấy trước chứ vì anh ra đời trước khôn hơn. Nhưng đây lại nói: “ Em nhìn thấy trước, anh trông thấy sau”. Cái khẩu khí đó thật khác người nên sau này Tất Thành đi hết nơi này đến nơi khác năm châu bốn biển còn bác cứ yên vị sống trong nước như thế này.
Cụ Khiêm nói với nhà văn Sơn Tùng năm 1950. Mãi đến năm 1980 Sơn Tùng công bố hai bài thơ trên báo Văn Nghệ số Tết. Trước khi đăng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng - tổng biên tập báo Văn nghệ tìm đến hỏi Sơn Tùng:
- Có chính xác không anh, mới năm tuổi mà làm hai bài thơ ứng khẩu, trẻ con thì thật trẻ con nhưng thật trí tuệ.
Sơn Tùng trả lời:
- Anh cứ đăng đi, có chi tôi chịu trách nhiệm
Đến khi báo ra người đến gặp nhà văn là cụ Khương Hữu Dụng - nhà thơ Đường luật. Thơ Đường cụ rất giỏi.
- Này Sơn Tùng, mình đọc hai bài thơ hay quá, mình nghi ông có thêm chữ nào vào đấy không?
- Chết, ai lại làm cái việc này!
Cụ lại nói:
- Đọc xong, mình sợ quá. Trần Đăng Khoa nó giỏi nhưng thời nay nó khác. Nó có thông tin báo chí , truyền thanh có hệ thống, thời ta không có. Thông minh như Trần Đăng Khoa tưởng tượng tàu dừa như chiếc lược chải lên trời, qua na chín là quả na mở mắt . Tầm tư tưởng của bé Thành lớn quá
Trở lại câu chuyện về bài thơ thứ ba của Nguyễn Tất Thành, theo lời kể của cụ cả Khiêm thì cụ Nguyễn Sinh Sắc ở xóm Du Đông gần dinh cụ Thượng- sau này gọi là cụ Quận, tức là quận công Hoàng Cao Khải ở ấp Thái Hà. Hoàn cảnh bài thơ thứ ba đều do cụ Lê Thước kể lại:
.... Hôm đến dinh Hoàng Cao Khải để ăn mừng khánh thành dinh quận công có mời các quan sở tại đầu tỉnh cho đến huyện. Trên cái sân lớn, ngoài có bồn hoa. Đám trẻ con cứ nhìn qua khe hở bức tường thấy các quan ngồi uống rượu, đọc bình thơ mừng quan xây xong dinh, đặc biệt có cái bể cạn rất lớn trong đó có núi non bộ rất cao, cây si đến hàng trăm tuổi, có tượng ba ông lão nho nhỏ. Nghe các quan đọc thơ, đám học trò đứng ngoài nói to:
-Các quan làm thơ dở quá!
Nghe thế, Hoàng Trọng Phu ( con cả Hoàng Cao Khải) ra quát lủ trẻ,. Một số bỏ chạy. Nguyễn Tất Thành (13 tuổi) chạy nhưng chậm thôi. Lúc đó Hoàng Cao Khải mới can:
_ Thôi, đừng nạt các cháu, nhà mình đang có chuyện vui lớn. Các cháu đến mà đuổi đi thì dân làng người ta cười cho. Cháu nào khi nãy chê thơ bây giờ vào làm bài thơ ông thưởng.
Đám trẻ quay lại. Ông Khải nói tiếp:
- Đứa nào khi nãy chê thơ các quan bây giờ vào đọc thơ dù có dở ông cũng thưởng.
Các quan thấy đám trẻ cùng chạy ra. Nguyễn Tất Thành nhìn thấy tượng ba ông phỗng ở trên núi non bộ liền nói:
- Thưa cụ, cháu đọc bài thơ ứng khẩu này nếu có sai thì cũng đừng phạt cháu.
Ông Khải nói:
- Cháu cứ đọc đi, ông không phạt đâu. - Tất Thành đọc:
Kìa ba ông lão bé con con
Mọi người cười. “ Ba ông lão lại bé con con”, thế mới ngộ nghĩnh.
Biết có tình gì với nước non
Các quan cũng chưa thấy gì cả thì hai câu sau nghe xong không ai nói với ai, tất cả đều im lặng.
Trương mắt làm chi ngồi đó mãi
Hỏi xem non nước mất hay còn?
Hoàng Trọng Phu nói: “ Thằng này hỗn, con nhà ai đấy?” Nguyễn Tất Thành không trả lời. Lê Thước mới nói: “ đây là con cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bên Nghệ An đấy!” Hoàng Cao Khải năm đó đỗ cử nhân mà đỗ vớt. Còn Nguyễn Sinh Sắc đỗ đại khoa cùng với Ngô Đức Kế. Hoàng Cao khải mới khen: “ Hỗ phụ sinh hỗ tử” rồi chống gậy đi vào. Còn Hoàng Trọng Phu mặt hầm hầm: “ Cái tay này mà lớn lên sẽ làm loạn”.
Chuyện này, cụ Khiêm kể lại cho Sơn Tùng. Sau ngày giải phóng miền Bắc (1957),Sơn Tùng tìm gặp cụ Lê Thước , cụ Phạm Gia Cẩn để đối chiếu.
Khi có bài thơ thứ ba trong tay, nhà văn thấy hơi hướng tài thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ. Khi đó, Sơn Tùng công tác ở đại học nhân dân liền đem trao đổi với các thầy. Thời bấy giờ, người nghiên cứu thơ Nguyễn Khuyến là Xuân Diệu. Sơn Tùng đến hỏi Xuân Diệu, nhà thơ cho biết:
- Cụ Nguyễn Khuyến có bài thơ vịnh ba ông phỗng nhưng hoàn toàn khác. Cụ từng đỗ tam nguyên nhưng bất hợp tác với thực dân Pháp. Cụ chỉ nhận làm án sát Sơn Tây mấy năm rồi về nhưng sợ mang tiếng bất hợp tác nên phải nhận làm gia sư cho gia đình Hoàng Cao Khải ở ấp Thái Hà. Hoàng Cao Khải cũng muốn mời ông Tam Nguyên về dạy học cho gia đình mình thì cũng sang. Cụ ở trong nhà ấy một thời gian thì cũng yên tâm, sau đó về đất Bình Lục( Hà Nam) của mình cũng đỡ bị theo dõi. Bấy giờ, Hoàng Cao Khải muốn có bài thơ tức cảnh của cụ Nguyễn Khuyến để làm kỉ niệm cũng là cái sang được cụ Tam Nguyên tặng thơ:
Ông đứng làm chi đó hỡi ông
Trơ trơ như đá vững như đồng
Đêm ngày gìn giữ cho ai vậy
Non nước đầy vơi có biết không?
Cũng bốn câu, cũng ba ông phỗng, vì cái núi non bộ ngoài này với trong kia cùng một mẫu hình làm ra.
Sau khi đối chiếu hai bài thơ đó thì thấy được sự khác nhau của hai con người. Cụ Tam Nguyên có cái nỗi đau mất nước nhưng đành chịu bất lực “Trơ trơ như đá vững như đồng”. - Cái thế lực thực dân lúc đó như cái trụ đá cao lớn trước sự tồn tại, sự bền vững xây trước dinh Hoàng Cao Khải. Còn Nguyễn Tất Thành thì đặt:
Kìa ba ông lão bé con con
Biết có tình gì với nước non
Trương mắt làm chi ngồi đó mãi
Hỏi xem non nước mất hay còn?
Là rất khác, nó có khí thế “ Trương mắt làm chi ngồi đó mãi. Hỏi xem non nước mất hay còn”
Ba bài thơ ứng khẩu của Bác Hồ thời niên thiếu sáng tác trong hai hoàn cảnh khác nhau đều có chung một khẩu khí, một nhân cách mà hiếm người có được. Sau này, Bác ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc ra khỏi ách nô lệ là đã ( vượt qua ao lớn) để mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Phải chăng tầm tư tưởng đó khởi nguồn từ ba bài thơ nói trên của người.
Nguyễn Thanh Hiển
( Sưu tầm và giới thiệu)